Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng còn nhớ rõ những ký ức vào khoảng tháng 10 năm 2020 khi bão lũ xuất hiện và gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh thành miền Trung. Điển hình như tại tỉnh Quảng Bình, mưa lũ tràn về đã làm ngập gần 20 thôn với gần 35.000 ngôi nhà bị cô lập nhấn chìm, con số thiệt hại về người và của không thể nào kể xiết.
Cũng xuất phát từ thực trạng trên, rất nhiều nhà nghiên cứu, kiến trúc sư đã không quản ngày đêm để mang đến những giải pháp chống lũ dành cho người dân nơi rốn lũ. Một trong những giải pháp tiêu biểu nhất phải kể đến đó là thiết kế mô hình nhà chống lũ. Đơn giản, nhiều mức giá và tiện nghi. Ngay sau đây là một số thông tin tổng quan về mô hình này. Độc giả hãy cùng theo dõi nhé.
Tổng quan về nhà chống lũ
Khái niệm
Nhà chống lũ là mô hình nhà được thiết kế, xây dựng với mục đích giúp cho người dân có thể sống an toàn trong đó trước mưa bão. Hoặc khi bão lũ tràn về quá mạnh thì cuộc sống của người dân cũng giảm thiểu được phần nào những ảnh hưởng tiêu cực.
Nhà chống lũ sẽ nổi lên theo mực nước dân, bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân
Vai trò
Vai trò của mô hình nhà này đã được thể hiện rõ ràng ở cái tên của nó. Có thể nói hiện nay, nhà chống lũ là giải pháp kiến trúc được sử dụng để chúng ta ứng phó với thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng như hiện nay.
Xét riêng tại Việt Nam, hàng năm nước ta phải chịu đựng những cơn bão lớn từ tháng 5 đến tháng 12. Điều này khiến cho người dân đã trở nên “miễn nhiễm” và không còn cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ mỗi khi bão tràn về. Tuy nhiên vào những năm gần đây, tình trạng bão lũ ngày càng diễn ra trên diện rộng với mức độ thiệt hại ngày càng lớn. Điều này ngoài nguyên nhân chính là do các trận bão ở thượng lưu đổ về thì còn do một số yếu tố khác như: nạn phá rừng ngày càng diễn ra nhiều, cát sỏi bị hút nhiều để phục vụ cho xây dựng đã làm các dòng sông bị trơ đáy, hệ thống đê đập được xây dựng nhưng chất lượng không đảm bảo.
Như vậy khi nhà chống lũ xuất hiện, người dân ở những nơi chịu nhiều ảnh hưởng của mưa bão có thể được bảo vệ, cũng như hạn chế phần nào những ảnh hưởng xấu do bão lũ đem lại. Tuy nhiên nhà chống lũ không bảo vệ được 100% sự an toàn của người dân. Mà thực tế, mô hình nhà này sẽ giúp cho người dân có thể “sống chung với lũ”, giảm thiểu nhiều nhất những thiệt hại do mưa bão mang lại.
Tiêu chí thiết kế nhà chống lũ
Đảm bảo khả năng chống lũ
Đây là tiêu chí đầu tiên và cũng được xem là quan trọng nhất. Tất nhiên không phải là chịu được những đợt lũ có cường độ nhẹ mà hơn cả, nhà chống lũ phải chịu được tác động của những trận lũ đỉnh cao. Để đảm bảo khả năng chống lũ lụt hiệu quả, chúng ta cần lưu tâm một số vấn đề như sau:
– Sử dụng vật liệu chống ngập trong thiết kế kiến trúc: bê tông, xốp cách nhiệt, ván ép, sơn epoxy polyester…Những vật liệu này có thể tiếp xúc trực tiếp với nước trong vòng hơn 48 tiếng mà không bị hư hại quá nhiều.
Nhà phao chống lũ được làm từ những vật liệu dễ tìm, rẻ tiền, giúp người dân an toàn vượt qua mùa mưa bão
– Mô hình nhà chống lũ khi đưa vào thực tế cần có tính ứng phó linh hoạt, chống được nóng hoặc lạnh. Hơn nữa, nếu có thể thì tốt nhất nên biến những căn nhà hiện tại thành nhà có thể phòng chống lũ khi cần bằng những giải pháp thiết kế. Tuy nhiên để làm được điều này cần sự nghiên cứu, chung tay chung sức của các kiến trúc sư đầu ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.
Chi phí thấp
Thực tế cho thấy, hầu hết cuộc sống của những người dân ở vùng lũ luôn khó khăn, thiếu trước hụt sau. Thậm chí dù cả năm có làm được nhiều, nếu chẳng may gặp một cơn bão đi qua thì bỗng chốc lại hoàn trắng tay. Chính vì vậy, khi thiết kế mô hình nhà chống lũ chúng ta cần tiết giảm chi phí ở mức cao nhất, mục đích là hướng đến việc 100% người dân có thể sử dụng mà không gặp quá nhiều trở lại về việc chi trả.
Một giải pháp khá hay ho mà các kiến trúc sư hiện nay áp dụng đó là sử dụng chính những vật liệu hiện có tại địa phương để làm nhà, từ đó giúp giảm thiểu chi phí. Ngoài ra, việc thiết kế nên đề cao tính đơn giản để người dân có thể tự bắt tay vào thi công.
Tất nhiên, song hành với chi phí thấp là chất lượng đảm bảo. Mô hình nhà ở này mang tính nhân văn rất lớn, chính vì vậy bên cạnh tìm cách giảm tối đa chi phí thì các kiến trúc sư cũng cần đảm bảo cho công trình luôn bền vững.
Các mô hình nhà chống lũ hiệu quả hiện nay
Mô hình nhà phao chống lũ
Mô hình nhà phao chống lũ và kết cấu chịu lực, kết cấu nổi của ngôi nhà
Thực tế thì mô hình nhà phao này đã xuất hiện trên thị trường từ năm 2014. Nhà phao là dạng nhà nổi, được hình thành với thiết kế là khung chịu lực bằng khung thép đặc chủng gồm cột, dầm, móng… liên kết với hệ thống phao nổi toàn bộ được đặt trên hệ móng đặc biệt, sử dụng tường bao ngoài, tường ngăn giữa các phòng làm từ tôn hoặc những vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, có tỉ trọng nhẹ để giảm trọng lượng khung nhà. Dưới gầm sàn nhà được bố trí các thùng phuy sắt làm hệ phao nổi giúp nâng toàn bộ nhà, người và tài sản bên trong nổi lên, hạ xuống theo mực nước lũ và được neo giữ bằng hệ cọc trượt hoặc dây neo.
Từ đầu, mô hình này được xác định là ý tưởng của người dân sống ở Quảng Bình, nguồn kinh phí để thực hiện có sự đóng góp của cộng đồng dân cư. Ngôi nhà này cũng ghi nhận sự đóng góp rất lớn của đông đảo kiến trúc sư, kỹ sư kết cấu trong việc tính toán trọng tải, đảm bảo yếu tố kỹ thuật để khi đi vào vận hành, ngôi nhà này phát huy tác dụng như mong muốn.
Hiện nay mô hình nhà phao chống lũ được chia thành hai loại:
Nhà phao gắn liền nhà xây: Đây thực chất là gian nhà phao nằm trên gác của ngôi nhà xây hiện tại. Mức nổi tối đa được tính toán tối đa trên 10m so với sàn nhà tầng 1. Khung nhà phao này trượt đều trên 4 góc với 4 cọc thép. Các phần cọc này còn phát huy tác dụng khi là điểm neo chân cho khung ngôi nhà.
Nhà phao biệt lập: Mô hình nhà này có khung nhà làm bằng thép với mục đích làm giảm trọng lượng. Mặt bằng có hình vuông, mái lợp bằng chất liệu tôn kẽm, sàn được lát ván gỗ, có thêm cửa ray trượt để đề phòng khi gió lùa mạnh có thể dễ dàng kéo cửa.
Ngay dưới gầm nhà sẽ được đặt các thùng phuy sắt rỗng ruột có vai trò như là phao nổi để nâng đỡ toàn bộ ngôi nhà. Từ đó giúp cho người, vật, tài sản có trong nhà có thể linh hoạt nổi, chìm theo mực nước. Mô hình nhà này cũng luôn có dây neo hoặc cọc trượt để cố định ngôi nhà, không khiến cho nó bị trôi đi xa.
Nhà chống lũ kê nền
Nhà kê nền linh hoạt: Với mô hình này, người dân có thể tách rời sự liên kết giữa móng và khối nhà. Khi này bạn có thể nâng nhà mà vẫn giữ nguyên được kết cấu móng. Hiểu đơn giản thì đây được xem như một lõi an toàn từ đó giảm thiểu tối đa tổn thất do bão lụt.
Mô hình nhà kê nền
Nhà kê nền cao: Độ cao tiêu chuẩn là 3m với mô hình này. Nhà chống lũ nền cao có thể được sử dụng ngay cả khi trời quang mây tạnh. Tuy nhiên để không gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì người dân nên dựng vách để che kín. Hoặc nếu gia đình có nuôi gia súc thì có thể tận dụng phần gầm này để nuôi. Còn khi có lũ thì người dân sẽ sử dụng tầng 2.
Nhà kê nền thấp: Khác với hai loại nền trên, mô hình nhà này sẽ được thiết kế với phần sàn được kê lên hệ cột cách mặt đất khoảng 500mm. Khoảng cách này đã được các chuyên gia đánh giá là đảm bảo cho nước lũ hoặc bùn bẩn có thể trôi qua khoảng trống dưới sàn nhà. Lúc này thì kết cấu của khung nhà cũng sẽ đảm bảo
Nhà chống lũ có gác
Với mô hình nhà này lại được chia ra thành các loại như sau:
– Nhà gác dành cho người và có thêm chỗ cho gia súc. Loại nhà này sẽ được thiết kế thêm một cầu thang bên ngoài. Mục đích là để cho người và vật nuôi có thể di chuyển lên trên khi lũ lên cao. Độ cao của tầng 2 sẽ được thiết kế dựa vào mức lũ cao nhất đã được ghi nhận tại địa phương đó, có thể thiết kế bằng mức đó hoặc cao hơn. Có như vậy thì độ an toàn mới được đảm bảo trong suốt quá trình xảy ra bão lũ.
Mô hình nhà chống lũ có gác cho người và gia súc
Cũng với mô hình này, chỗ tạm trú của gia súc chính là phần chiếu nghỉ trước khi bước lên sàn. Phần chiếu nghỉ này cũng được lợp mái che để đảm bảo cho vật nuôi không bị nước mưa hắt vào. Bậc thang rộng từ 1,2m đến 1,5m, độ cao của bậc cầu thang từ 10 đến 12cm, độ cao này được xem là tạo sự thoải mái cho vật nuôi khi di chuyển.
Theo các chuyên gia xây dựng, mô hình này có khá nhiều ưu điểm khi ngoài việc giúp chống lũ thì nó còn giúp cho các đoàn cứu trợ khi tiếp cận ngôi nhà được dễ dàng hơn.
– Nhà ba gian có gác xép. Mô hình này sẽ được phân bổ như sau: 3 gian được bố trí tương tự như 3 gian truyền thống, cũng được thiết kế bếp và các công trình phụ liên quan. Trong đó gác sẽ là nơi để dành riêng cho người dân ở.
– Nhà ống có gác xép. Độ cao của gác xép này cũng được tính toán sao cho bằng độ cao tối thiểu của trận lũ đỉnh tại địa phương. Hơn nữa các kiến trúc sư cũng phải tính toán sử dụng vật liệu sàn bê tông, hoặc những vật liệu có tính kháng nước. Ngoài ra, tùy theo thực tế từng địa hình mà kiến trúc sư sẽ bố trí thêm cửa thoát hiểm. Cửa này sẽ phát huy tác dụng khi lũ lên quá cao mà các phương tiện cứu trợ không tiếp cận được.
– Nhà hai gác dành riêng cho người ở. Mô hình này được thiết kế với các vật liệu như: trụ, khung dầm, tường xây gạch nung, gạch không nung.
Độ cao của gác sẽ được bố trí cao hơn mức ngập tối thiểu 2,85m. Bên trong nhà luôn có cầu thang để các thành viên trong gia đình có thể lưu trú khi có mưa bão.
Trên đây là giới thiệu sơ bộ của chúng tôi về các mô hình nhà chống lũ hiện nay, đã được ứng dụng trong thực tế. Nếu bạn có bất kỳ băn khoăn hay ý tưởng gì thú vị xoay quanh vấn đề này, hãy liên hệ với Kiến Trúc Nam Cường qua 0976.222.555 để được tư vấn miễn phí nhé.